Follow Tiendientu on Telegram

Không ai có thể dự đoán tương lai chính xác 100%. Đặc biệt là trong thị trường mà “chuyện quái gì cũng có thể xảy ra” như tiền điện tử.

Tuy nhiên, với Brian Armstrong, CEO sàn Coinbase, cách tốt nhất để dự đoán tương lai chính là tạo ra nó. 

Nhìn chung CEO của Coinbase nhận định rằng trong thập niên tới, chúng ta sẽ được chứng kiến những bước tiến mới của blockchain. Khi đó blockchain sẽ giải quyết được bài toán về tính mở rộng, nâng cao các tính năng bảo mật, tiếp cận đến 1 tỷ người dùng (từ con số 50 triệu ở đầu thập kỷ). 

Tương tự, các thị trường mới nổi cũng sẽ mở rộng quy mô chấp nhận. Khi đó, hệ thống tài chính sẽ bị phá vỡ. Các công ty khởi nghiệp sẽ ứng dụng cryptocurrency như cách họ đang dùng internet và machine learning (học máy) ngày nay. Các chính phủ và tổ chức sẽ không đứng ngoài “cuộc chơi” tiền mã hoá. 

tiendientu.org thân gửi đến bạn đọc bài dịch Những dự đoán và nhận định cho thị trường cryptocurrency những năm 2020 dưới góc nhìn của CEO Coinbase. 

Bài viết sẽ không hô hào sáo rỗng Bitcoin sẽ đạt 100 triệu đô vào cuối năm bao nhiêu. Song, bài viết sẽ là bức tranh toàn cảnh giúp bạn hiểu rằng crypto đang ở đâu, có thể về đâu trong tập kỷ tới. 

Trong những năm 2020, tôi tin rằng giải pháp hai lớp, hoặc blockchain mới sẽ xuất hiện giúp tăng thông lượng, xử lý nhiều giao dịch. Giống như băng thông rộng thay thế modem 56k mở đường cho sự ra đời của nhiều ứng dụng internet (Youtube, Uber…). 

Tôi cho rằng khả năng mở rộng là điều kiện tiên quyết để giai đoạn tiện ích của cryptocurrency thực sự bắt đầu. Một khi blockchain cải thiện đáng kể khả năng mở rộng, chúng ta cũng sẽ thấy các ứng dụng mới phát triển nhanh hơn (xem ở phần “Sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp tiền mã hoá” ở bên dưới).

Bên cạnh khả năng mở rộng, chúng ta sẽ thấy tính riêng tư được tích hợp vào một trong những chain thống trị ở những năm 2020. Kịch bản này giống với câu chuyện Internet ra mắt HTTP và sau đó mặc định HTTPS trên nhiều website. 

Tôi tin coin ẩn danh (privacy coin) hoặc blockchain có tính năng ẩn danh sẽ được chấp nhận rộng rãi trong thập kỷ mới. 

Có nhiều đội ngũ “xịn xò” đang phát triển thế hệ giao thức mới như Dfinity, Cosmos, Polkadot, Ethereum 2, Algorand,… Và cũng có những đội nhóm tuyệt vời đang phát triển giải pháp mở rộng hai lớp trên một số chain hiện hành. 

Dự đoán của tôi là sẽ có sự hợp nhất các chain (về tư duy phát triển, nền tảng người dùng và vốn hoá) trong thập kỷ mới. Những chain có khả năng mở rộng, ẩn danh, hỗ trợ nhiều công cụ phát triển và tích hợp nhiều tính năng sẽ vươn lên dẫn đầu. 

Thậm chí, sẽ có các vụ M&A, hard fork và chia tách, dẫn đến sự ra đời của những đồng tiền điện tử mới. Dù cho sẽ xuất hiện ngày càng nhiều token, coin tỷ lệ thuận với số công ty, dự án mã nguồn mở, DAO, quỹ.. thì cũng sẽ chỉ có vài chain đủ khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng cho chúng. Chain giành được chiến thắng sẽ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, giống như bao ngành công nghiệp khác. 

Những năm 2010 là giai đoạn của đầu cơ và đầu tư vào tiền mã hoá. Trong đó, trading là hoạt động năng động nhất và dẫn đầu về lợi nhuận. Xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm 2020 (xem tiếp phần “Cấu trúc thị trường” và “Các tổ chức” ở bên dưới). Nhưng tôi tin rằng thời gian tới những công ty crypto sẽ tập trung vào giai đoạn tiện ích. Nghĩa là thúc đẩy sử dụng tiền mã hoá cho mục đích phi giao dịch (non-trading). 

Xu hướng này đã manh nha hình thành, với sự xuất hiện của staking, borrow (mượn), lend (cho vay), margin, debit card, earn… 

Thập kỷ này chúng ta sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp mới: startup crypto

Giống với câu chuyện Dot com đã hình thành làn sóng startup internet, tôi tin rằng đến cuối những năm 2020, hầu như các startup công nghệ sẽ có “một yếu tố cryptocurrency”

Điều gì định nghĩa nên một startup crypto? 

Có 3 thứ. 

Đầu tiên là huy động vốn bằng tiền mã hoá.

Thứ hai là phát triển “yếu tố tiền mã hoá” đến giai đoạn product-market fit – tức là làm ra một sản phẩm mà khách hàng muốn. Startup làm điều đó bằng cách phát hành token cho những người tiên phong chấp nhận sản phẩm. Giống như những công thần đầu tiên được nhận cổ phần công ty ấy. 

Thứ ba, họ đưa sản phẩm đến cộng đồng thế giới và thị trường với tốc độ mà không một startup truyền thống nào có thể làm được. 

Sẽ có vô vàn vấn đề pháp lý được đặt ra. Song, tôi cho rằng lợi điểm sẽ chiếm ưu thế, và thị trường sẽ tự khắc tìm ra cách giải quyết. 

Những startup crypto sẽ đối mặt với thách thức mà bao startup gặp phải. Đó là tạo ra thứ mà khách hàng muốn dùng. 100 triệu người mới đến với cryptocurrency trong tương lai không vì sự tò mò thích thú nữa. Thay vào đó, họ đến với tiền điện tử là để được chơi một món game nào đó, sử dụng một mạng xã hội phi tập trung nào đó. Hoặc, kiếm sống bằng crypto. 

Ngoài startup crypto (sẽ trở thành một hiện tượng thế giới), một khu vực khác “tiếp đất” cho sự mở rộng quy mô chấp nhận của crypto là các thị trường mới nổi. Đặc biệt, những đất nước có tỷ lệ lạm phát cao và thị trường kiều hối lớn sẽ là sân khấu toả sáng của crypto. 

Trong năm 2019, givecrypto.org đã chuyển tiền cho 5,000 người ở Venezuela và hơn 90% trong số họ có thể tạo ra ít nhất một giao dịch với cửa hàng nội địa chấp nhận crypto hoặc một đối tác thanh khoản trong nước. Điều này chứng tỏ các công cụ đã bắt đầu vượt qua ngưỡng khả năng sử dụng ở các thị trường mới nổi, nơi mà internet không đáng tin cậy, điện thoại di động đời cũ, dân trí thấp…đang là các rào cản. 

Do đó, trong những năm 2020, tôi tin quy mô chấp nhận crypto ở các thị trường mới nổi sẽ mở rộng đến hàng trăm triệu người dùng. Ít nhất tại một quốc gia, phần lớn các giao dịch sẽ được thực hiện bằng tiền điện tử. 

Chúng ta đã chứng kiến các tổ chức nhỏ tiếp cận và đặt chân vào thế giới tiền mã hoá. Hàng trăm tổ chức đã tham gia vào Coinbase Custody trong 18 tháng qua. Tôi kỳ vọng con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020, với sự tham gia của nhiều tổ chức lớn hơn nữa. Cuối cùng, mỗi tổ chức tài chính sẽ có hoạt động liên quan đến cryptocurrency, và các quỹ sẽ nắm tài sản tiền mã hoá vì tiềm năng tăng trưởng của chúng. 

Hình dung, gần như 90% tiền trên thế giới nằm trong két của các tổ chức. Khi những tổ chức dịch chuyển vào thị trường crypto thì hiển nhiên nhu cầu về tài sản mã hoá sẽ tăng cao!? 

Trong khi Libra Facebook vẫn còn đang thu hút sự “quan tâm đặc biệt của Washington DC”, thì Trung Quốc đã tiến hành ra mắt phiên bản kỹ thuật số cho đồng Nhân Dân Tệ và nhìn nhận blockchain là công nghệ đầu tư cốt lõi. 

Hoa Kỳ hiện đang nôn nao và bắt đầu tham gia cuộc đua. Các cuộc thảo với chủ đề làm thế nào số hoá đồng đô la đang diễn ra tích cực. Công nghệ CENTRE với đồng USD Coin (USDC) có thể là giải pháp mà Hoa Kỳ đang cần. Hoặc Fed có thể tự phát hành đồng đô la số hóa riêng với ứng dụng công nghệ blockchain. Chúng ta sẽ thấy thêm nhiều loại tiền kỹ thuật số xuất hiện. Chúng được phát hành bởi một tập đoàn như Libra, CENTRE, hoặc có thể là chính IMF.

Trong suốt một thập kỷ qua, nhiều công ty mà chúng ta nghĩ là sàn giao dịch cryptocurrency, thực chất chỉ là môi giới, ký quỹ, hay tổng hợp các vai trò này lại. Trong những năm 2020, tôi cho rằng cấu trúc thị trường sẽ tiến hoá tiệm cận đến cấu trúc của thế giới tài chính truyền thống với các chức năng được phân hoá rõ rệt bằng những quy định pháp lý cụ thể. 

Chẳng hạn, Coinbase Custody là công ty tách biệt có hội đồng quản trị riêng. Coinbase Pro đóng vai trò là sàn giao dịch và môi giới….

Một khi cấu trúc thị trường trưởng thành hơn, SEC sẽ có cái nhìn thoải mái và thân thiện với các quỹ chỉ số cho nhà đầu tư cá nhân. 

Trong khi các sàn giao dịch tiền pháp định sang tiền mã hoá (fiat-to-crypto) sẽ đi theo mô hình của dịch vụ tài chính truyền thống, thì ở một thế giới khác, sự phân quyền và phi tập trung của mô hình crypto – crypto sẽ phát triển vượt bậc. 

Trong thế giới này, ví không lưu ký (non-custodial wallet), sàn giao dịch phi tập trung (DEX), Defi, và Dapp sẽ tiếp tục cải tiến về khả năng sử dụng và bảo mật. Chúng ta sẽ đón chào sự ra đời cuả hàng tá ứng dụng mới, từ game, đến cộng đồng trực tuyến, thế giới ảo… 

Những ứng dụng và ví không lưu ký không giữ tài sản của khách hàng, thì về mặt pháp lý chúng có thể được xếp vào nhóm công ty phần mềm thay vì là công ty dịch vụ tài chính. Điều này sẽ càng thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở quy mô toàn cầu. 

Hơn hết, thế giới này sẽ được tăng tính ẩn danh, riêng tư với quy mô chấp nhận privacy coin và non-custodial wallet càng mở rộng. Khi nền kinh tế phi tập trung nở rộ, nhiều người sẽ lấy crypto làm kế sinh nhai và cảm nhận quyền tự do vô bờ bến… 

Phần cuối này chỉ là một ý nhỏ được thêm vào thôi. Các ông bạn Olaf Carlson-Wee và Balaji Srinivasan của tôi nhẩm tính nếu một Bitcoin có giá $200,000 thì sẽ có đến hơn một nửa tỷ phú trên thế giới là đến từ thị trường cryptocurrency. Điều này TỐT hay XẤU thì tuỳ bạn nhận định. Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh rằng sẽ có nhiều vốn đầu tư vào khoa học và công nghệ trong những năm 2020. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều quỹ từ thiện crypto trong thời gian sắp tới (như quỹ Pineapple, GiveCrypto.org, GivingPledge).

Bao nhiêu trong số những dự đoán trên sẽ trở thành hiện thực? 

Cách tốt nhất để dự đoán tương lai chính là tạo ra nó. 

Mỗi người, bằng cách thay đổi tầm nhìn và mục đích sử dụng crypto từ đầu cơ, trading sang ứng dụng thực tiễn và tiện ích, thì những năm 2020 sẽ càng có thêm nhiều người giữ (hold) và dùng tiền mã hoá. 

Đó chính là lúc chúng ta chạm đến nền kinh tế tự do toàn cầu.


Nội dung: Tris Vuong
Design: Satoshi Nakatomoon

tiendientu.org