Ứng dụng Blockchain trong doanh nghiệp
Ant Financial, chi nhánh fintech của tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Alibaba, đã ra mắt nền tảng Consortium Blockchain.
Với tên gọi “OpenChain”, nền tảng blockchain này hướng đến giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) triển khai những ứng dụng blockchain với hiệu quả cao hơn và chi phí thấp hơn.
“Thông qua nền tảng OpenChain, chúng tôi mong muốn giúp một triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà phát triển đổi mới và khám phá nhiều ứng dụng hơn trong ba năm tới.” – Ông Jin Ge, tổng giám đốc nền tảng blockchain tại Ant Financial cho biết.
Consortium blockchain là nền tảng kết hợp giữa public blockchain (blockchain công khai) và private blockchain (blockchain riêng tư). Loại blockchain này thuộc quyền sở hữu của một tập đoàn, doanh nghiệp nhưng có tính công khai, minh bạch.
OpenChain của Ant Financial sẽ phục vụ các ngành công nghiệp như tài chính chuỗi cung ứng, xuất xứ sản phẩm, hóa đơn kỹ thuật số và quyên góp từ thiện.
“Các trường hợp sử dụng này không chỉ đòi hỏi một cơ chế tin cậy giữa tất cả các bên, mà cả các thuật toán đồng thuận hiệu suất cao có thể hoàn thành tính toán xác thực một cách nhanh chóng.” – Chuyên gia của Ant Financial chia sẻ.
OpenChain ra mắt bản thử nghiệm alpha vào năm 2019 và kể từ đó WhiteMatrix, nhà cung cấp dịch vụ phát triển ứng dụng blockchain doanh nghiệp, đã sử dụng nền tảng này.
Wu Xiao, nhà sáng lập và là CEO của WhiteMatrix cho biết tốc độ giao dịch của OpenChain đã nhanh hơn nhiều lần so với các nền tảng blockchain công cộng như Ethereum, và chi phí cho mỗi giao dịch chỉ bằng 1/10 các nền tảng khác.
Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã và đang chuẩn bị ra mắt các nền tảng blockchain. Đầu năm nay, Baidu đã ra mắt phiên bản beta công khai cho blockchain “Xuperchain”. Tencent và JD cũng đã xuất bản whitepaper cho nền tảng blockchain-as-a-service (BaaS) của họ.
Tập đoàn Alibaba và Tencent những ông lớn tích cực nhất trong không gian blockchain. Năm ngoái, Tencent và các chi nhánh của tập đoàn này đã nộp 718 bằng sáng chế blockchain, trong khi Tập đoàn Alibaba đã nộp đơn 470.