Follow Tiendientu on Telegram

Kinh tế tài chính thế giới

Giá dầu và chứng khoán châu Á giảm mạnh giữa tin xấu

Piccino 15/06/2020

Follow Tiendientu on Telegram

Phiên giao dịch sáng đầu tuần 15-6 chứng kiến tâm trạng hồi hộp của các nhà đầu tư do tình hình dịch bệnh ở Mỹ không mấy khả quan, cộng với nguy cơ lây nhiễm mới khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.

Theo Reuters, xu hướng dịch COVID-19 tăng trở lại ở Mỹ, ổ dịch mới ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở châu Âu là những rủi ro đang được thị trường cân nhắc cẩn thận trong các quyết định đầu tư hiện tại.

Trong phiên giao dịch sáng thứ hai 15-6, chứng khoán châu Á giảm nhẹ phần nào phản ánh tâm lý này.

Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei giảm 0,5%; Topix giảm 0,1%. Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,22%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,37%. S&P/ASX 200 của Úc thì chủ yếu đi ngang…

Ở Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai composite giảm 0,1%, trong khi Shenzhen component lại tăng 0,526%…

Tương tự chứng khoán, giá dầu thô Mỹ giảm hơn 2% trong sáng 15-6 trong bối cảnh ca nhiễm tăng vọt ở hàng chục bang, bao gồm Florida, Texas. Một đỉnh dịch mới ở Mỹ sẽ chặn đứng đà hồi phục của nước này.

Cụ thể, dầu thô Brent giảm 1,7% trong các giao dịch tương lai, còn 38,07 USD/thùng; WTI giảm 2,2%, còn 35,45 USD/thùng.

Các nhà phân tích nhận định diễn biến dịch COVID-19 những ngày tới sẽ là yếu tố quyết định hướng đi của thị trường.

“Tin tức cuối tuần qua càng làm tăng nỗi lo của nhà đầu tư về khả năng các nước tái áp dụng các biện pháp ngăn dịch. Khi kinh tế mở cửa lại, lây nhiễm gia tăng là điều được dự báo trước, câu hỏi là các biện pháp khoanh vùng có đủ để ngăn dịch mà không cần phải đóng cửa cả nền kinh tế thêm lần nữa không”, ông Rodrigo Catril, chiến lược gia của ngân hàng National Australia Bank, bình luận.

Nhận định về ổ dịch mới ở Bắc Kinh, nhà phân tích độc lập Fraser Howie cho rằng khả năng Trung Quốc phong tỏa diện rộng và nghiêm ngặt như trước là không cao.

Trong diễn biến khác, dữ liệu kinh tế Trung Quốc công bố ngày 15-6 không đạt mong đợi của thị trường. Sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, chưa bằng mức 5% dự báo. Bán lẻ giảm 2,8% trong tháng 5, sâu hơn mức 2% dự báo.

Theo Tuổi Trẻ

Follow Tiendientu on Telegram
tiendientu.org