Follow Tiendientu on Telegram

Blockchain và cryptocurrency ở Việt Nam

Quan tâm đến cryptocurrency hàng đầu thế giới, trader Việt vẫn đỏ mắt tìm kiếm sàn giao dịch uy tín

phungtram 04/08/2018

Follow Tiendientu on Telegram

Nếu thường xuyên theo dõi tin tức, chắc hẳn bạn không thể không biết đến vụ hack thế kỷ Mt.Gox đã khiến thị trường crytocurrency lao đao. Vì vậy, ngoài việc tìm kiếm một sàn giao dịch thanh khoản cao, trader còn đặc biệt chú ý đến tính an toàn và khả năng bảo mật của chúng. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam hiện tại, số sàn đáp ứng đủ các tiêu chí như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn các sàn giao dịch nước ngoài lại ẩn chứa quá nhiều bất tiện đối với trader Việt.


Hiện nay, trên thế giới có hơn 500 sàn giao dịch cryptocurrency với hàng chục triệu trader đến từ khắp châu lục. Bằng vài phép tìm kiếm đơn giản, chúng ta dễ dàng thấy được Việt Nam đang ở đâu trên bảng xếp hạng cryptocurrency toàn thế giới.

Nguồn: Similar Web tính đến tháng 6.2018- Việt Nam đứng thứ ba thế giới (sau Mỹ, Nga, trên Anh, Đức).
Nguồn: Similar Web tính đến tháng 6.2018 – Việt Nam đứng nhì trên thế giới (sau Mĩ, trên Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ).
Nguồn: Similar Web tính đến tháng 6.2018 – Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới (sau Mĩ, Nga, trên Thổ Nhĩ Kỳ, Anh).

Theo tìm hiểu, người Mỹ thật sự không trade coin nhiều như chúng ta vẫn nghĩ. Con số “chục triệu trader” phần lớn xuất phát từ Trung Quốc. Người dân ở đây làm giả địa chỉ IP của Mỹ để tham gia giao dịch vì quốc gia này hiện cấm cửa cryptocurrency. Nếu tính con số thật sự, nhiều khả năng Việt Nam còn xếp trên cả nền kinh tế số một thế giới về mảng này.

Nếu đã từng tham gia săn ICO, bạn không thể không biết đến câu cửa miệng của những người tham gia mảng cryptocurrency Việt Nam:

“Việt Nam đã không mua ICO thì thôi, một khi đã mua là chỉ có sập sàn!”

Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại chỉ có trên dưới 10 sàn giao dịch hoạt động, nhưng quy mô lại nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường hiện tại. Cả trader mới lẫn cũ đều gặp khó khăn khi tìm kiếm một sàn chuyên nghiệp dành riêng cho người Việt.

Để tham gia vào thị trường, rất nhiều trader đã tìm đến các sàn giao dịch nước ngoài với nhiều lựa chọn đầu tư, thủ tục pháp lý nhanh gọn. Tuy nhiên, việc gặp khó khăn khi hoạt động trên những sàn này luôn là vấn đề không-của-riêng-ai. Những bất tiện nổi cộm có thể kể đến ở bên dưới. 

1. Dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa tốt

Đây chắc chắn là điểm khó chịu nhất khi sử dụng các sàn giao dịch nước ngoài. Phải biết phần lớn trader Việt Nam không quá giỏi tiếng Anh. Và việc viết một email khiếu nại lên sàn khi gặp phải sự cố cũng tốn không ít thời gian.

Google dịch (Google Translate) có lẽ là công cụ quen thuộc với trader Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng dịch thuật của công cụ này vẫn còn khá thô sơ, dịch đúng nghĩa đen và đôi khi không truyền tải được hết ý nghĩa của câu. Phía đội ngũ hỗ trợ của sàn có thể đọc hiểu nhưng chắc chắn không thể nắm bắt trọn vẹn vấn đề. Điều này vô tình dẫn đến nhiều trường hợp mất hơn cả tháng gửi mail qua lại mà khúc mắc vẫn nằm đó.

Ngay cả khi làm việc trên những sàn giao dịch lớn như Poloniex, Bitfinex,… người dùng cũng thường gặp phải những bực mình không đáng có về dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Hãy tưởng tượng, sẽ ra sao nếu chúng ta có một sàn giao dịch “của người Việt, do người Việt, vì người Việt” được đầu tư bài bản với đội ngũ hỗ trợ nhiệt tình, thân thiện? Khi gặp phải bất cứ vấn đề gì, chúng ta có thể liên hệ trực tiếp, đốc thúc nhân viên hỗ trợ giải quyết và dĩ nhiên, giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ.

2. Trải nghiệm người dùng còn kém

Tất nhiên, sự hòa hợp giữa sàn “Quốc tế” và mạng cáp quang “Việt Nam” chưa bao giờ dễ dàng. Với đường truyền cáp quang Việt Nam và máy chủ của sàn ở nước ngoài, cứ mỗi khi đến mùa, cá mập lại cắn đứt cáp, trader lúc này chỉ biết kêu trời.

Không những thế, kể cả lúc mạng internet ổn định, những màn bơm – xả chóng vánh của cá mập ở Binance và một số sàn khác vẫn hay “giật tung cả sàn”. Điều này khiến nhiều người ngậm ngùi bỏ lỡ kha khá cơ hội, thậm chí còn mất tiền oan.

3. Tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin

Ai từng trải nghiệm dịch vụ rút tiền từ sàn chắc quá hiểu cảm giác thấp tha, thấp thỏm mong tiền về tài khoản. Ngoài ra, khi muốn mua coin, chúng ta lại phải chạy đôn chạy đáo tìm người trung gian để chuyển lên sàn chứ không mua trực tiếp được.

Phí ngân hàng, phí sàn trung gian, phí gửi nhận,… lại còn mất thời gian, công sức và vô vàn vấn đề phức tạp khác là nguyên nhân cản trở trader Việt làm việc với những sàn giao dịch ngoại quốc.

4. Bảo mật và tính thanh khoản của sàn, tin được thì tin, không thì thôi?

Vào tháng 2.2014, Mt. Gox – Sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới tại thời điểm đó – tuyên bố 750.000 đồng BTC của khách hàng cũng như kho 100.000 BTC của sàn đã “không cánh mà bay”. Ngay sau thông tin này, thị trường cryptocurrency nhanh chóng rơi vào cuộc đại suy thoái trầm trọng.

Nhiều năm qua, các sàn giao dịch quốc tế liên tục sống trong nỗi lo trước các cuộc tấn công tiềm ẩn. Đầu năm 2018, sàn giao dịch Youbit đệ đơn tuyên bố phá sản sau khi bị hack gần 17% tổng tài sản. Sau đó không lâu, Coincheck trở thành nạn nhân tiếp theo của các hacker, với tổng số tiền bị thiệt hại lên đến 530 triệu USD – con số cao nhất lịch sử.

Chưa dừng lại ở đó, Bitfinex liên tục thất thoát trước những đợt tấn công DdoS. Bi hài hơn, sàn Coinrail lại phải trải qua các đợt điều tra gay gắt từ cảnh sát trước thông tin bị hack “giả”. Còn Bithumb, sàn giao dịch có khối lượng lớn thứ 6 trên thế giới, cũng không nằm ngoài cuộc chơi, mất hơn 30 triệu USD vào tay các hacker.

Hàng loạt các sàn tập trung đều đã trở thành mồi ngon của các cuộc tấn công ác ý, vậy số phận các sàn giao dịch phi tập trung có khá hơn? Chúng có thực sự an toàn như lý thuyết? Câu trả lời là KHÔNG! Cách đây không lâu, sàn giao dịch phân quyền Bancor đã dính phải một lỗ hổng an ninh, dẫn đến 13.5 triệu USD bị cuỗm sạch.

Khi các sàn giao dịch quốc tế gặp vấn đề, ai sẽ là người bảo vệ nhà đầu tư Việt Nam? Liệu khi đó các sàn còn đủ khả năng bảo vệ hay hoàn tiền cho các trader/nhà đầu tư? Chính phủ nước ta lại càng không thể đứng ra lấy lại công lý vì họ chưa bao giờ khuyến khích nhà đầu tư Việt tiếp xúc với cryptocurrency.

5. Thiếu nhiều công cụ hỗ trợ giao dịch

Mỗi sàn sẽ sở hữu những tính năng, công cụ giao dịch khác nhau. Tuy nhiên, dù tối tân thế nào, đồ thị giá vẫn đặc biệt cần thiết đối với các trader. Một số sàn tích hợp sẵn TradingView hiện đại, một số khác tự dùng đồ thị riêng (nhưng chưa được cải tiến) cũng khiến nhiều trader gặp khó khăn khi phân tích chart giá.

Ngoài những công cụ hỗ trợ đặt lệnh đa dạng như: Trailing, Stop Limit, Stop Market, Kill or Fill và nhiều công cụ tối đa hóa lợi nhuận khác, vẫn còn một số sàn chỉ dừng lại ở những lệnh cơ bản Market, Limit và Stop Limit.

Là một trader thường xuyên cắm mặt vào màn hình, cắm cờ ở các sàn giao dịch, bạn đã gặp phải bao nhiêu trong số 5 vấn đề khó khăn trên? Bạn có muốn Việt Nam sở hữu một sàn giao dịch chuyên nghiệp hay không? Và như thế nào là chuyên nghiệp?

Dưới đây là những tiêu chí tối ưu nhất mà chúng tôi nghĩ sẽ có ích cho sự phát triển của mảng này ở Việt Nam trong tương lai. 

  • Sàn có quy mô tầm cỡ như Binance, Huobi, Bittrex,… hoặc thuộc top 10 thế giới.
  • Hỗ trợ tiếng Việt, có đường dây nóng chăm sóc khách hàng 24/7.
  • Giao diện người dùng thân thiện, hỗ trợ tối đa cho người Việt.
  • Gửi, rút, mua bán thuận tiện, thanh khoản cao. Có thể mua coin trực tiếp từ VNĐ và ngược lại mà không cần thông qua trung gian.
  • Quản lý thông tin bảo mật chặt chẽ, hạn chế tối đa những hacker.
  • Hỗ trợ tất cả các công cụ, lệnh giao dịch từ đơn giản đến phức tạp.

Nếu có thêm những yêu cầu, tiêu chí khác cho một sàn giao dịch lý tưởng trên “sân nhà”, bạn đừng ngaị ngần bình luận tại bài viết này nhé! 

Follow Tiendientu on Telegram
tiendientu.org