Tin quan trọng nhất trong tháng qua chính là FED quyết định cắt giảm lãi suất. Trong bài này, chúng ta cùng nhau phân tích sâu hơn về chính sách của FED và ảnh hưởng của nó đến đồng USD, cũng như tác động lên Bitcoin.
Nội dung bài viết
Đúng như dự đoán, FED đã hạ 0,25% lãi suất, đồng thời thông báo kết thúc chương trình thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình trong tháng 8, tức sớm hơn hai tháng so với kế hoạch.
Tuy nhiên, dường như những động thái “dovish” này là không đủ cho thị trường.
*dovish: chính sách của ngân hàng trung ương nhằm mục đích kích thích kinh tế (giảm lãi suất, nới lỏng định lượng, hoặc cả hai)
Đó chính là: Mua theo tin đồn, bán theo sự thật (buy the rumor, sell the news).
Theo logic thông thường, khi lãi suất của một đồng tiền giảm xuống, nó sẽ bị mất giá. Nhưng hiện tại, chúng ta đã thấy điều ngược lại ở USD. Nếu là người theo dõi thị trường tài chính, biết nhiều tin tức gần đây thì có thể sẽ không bất ngờ lắm với hiện tượng được gọi là “mua tin đồn, bán sự thật” này. Bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, việc hạ lãi suất đã được định giá gần như hoàn toàn trước đó. Tức là, thị trường đã bắt đầu bán USD từ trước. Nên khi FED chính thức xác nhận cắt lãi suất, đó chính là cơ hội để chốt lãi.
Thứ hai, FED đã làm thất vọng thị trường. Vì ngoài việc tin chắc sẽ cắt lãi suất trong lần này, thị trường còn tin rằng FED sẽ phát đi thông điệp có những lần cắt lãi suất khác trong tương lai để bắt đầu một chu kỳ nới lỏng mới. Nhưng Chủ tịch FED là Jerome Powell đã không làm thế. Những từ ngữ của ông rất “mập mờ” và không thừa nhận bắt đầu một chu kỳ nới lỏng mới.
Đây chính là hai lý do lớn khiến USD có biến động “ngược”.
Mỹ là điểm sáng hiếm hoi của thế giới trong thời kỳ khó khăn hiện tại. Ngoài lạm phát không đạt mục tiêu thì hầu hết các dữ liệu khác đều tốt hơn kỳ vọng.
Vậy tại sao FED cắt lãi suất?
Đó là để tiếp tục kéo dài chu kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử (kể từ năm 1854 theo thống kê của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia) – một động thái phủ đầu.
Sự tích cực trong kinh tế Mỹ dự kiến sẽ không thay đổi trong những tháng tới, khi mà thị trường lao động đang tích cực, nhu cầu trong nước mạnh, giá tài sản cao, và ngay cả lĩnh vực sản xuất cũng có dấu hiệu tốt nhờ sự đình chiến thương mại Mỹ-Trung. Những yếu tố này sẽ bù đắp cho sự khó khăn về nhu cầu bên ngoài nước Mỹ.
Có một lưu ý đó là FED chưa bao giờ cắt giảm lãi suất chỉ một lần. Tuy chưa “dovish” như thị trường kỳ vọng, nhưng ông Powell đã nhấn mạnh những yếu tố “không chắc chắn” ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Mỹ như căng thẳng thương mại có thể bùng phát trở lại và suy giảm kinh tế toàn cầu.
Do đó, khả năng FED sẽ tiếp tục cắt lãi suất là rất cao.
Về phần USD, nó đã chính thức phá đỉnh trong hơn 2 năm, xu hướng tăng là khá rõ. Tuy nhiên, với việc các đồng tiền lớn khác như EUR và GBP tiếp tục rớt giá thì Tổng thống Trump sẽ không thể ngồi nhìn lợi thế xuất khẩu của Mỹ tan biến. Do đó, cần cẩn thận cho các đợt điều chỉnh sắp tới.