Bạn tự tin mình là cá voi – cá mập trong ngành? Hãy cẩn thận khi CBOE và CME Group ra mắt thị trường kỳ hạn Bitcoin vào ngày 10 và 18.12 tới đây. Thị trường này có gì khác biệt so với thị trường tiền mặt Bitcoin như bình thường? Chiến lược của các nhà đầu tư sẽ như thế nào? Ai là người thao túng giá? Lanre Sarumi sẽ trả lời các thắc mắc trên của bạn ngay tại bài viết này.
Hiện tại hầu như tất cả mọi người, đặc biệt là các trader Bitcoin đều đang tập trung sự chú ý vào hai sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 10 và ngày 18.12.2017. Nếu bạn vẫn chưa biết, sàn giao dịch CBOE vừa tuyên bố ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai Bitcoin của mình kể từ 17.00 ngày 10.12 (giờ Chicago – tương đương 6 giờ sáng ngày 11.12 theo giờ Việt Nam). CME Group vẫn ấn định ngày ra mắt sản phẩm vào 18.12.2017.
Nội dung bài viết là chia sẻ của Lanre Sarumi – CEO của Level Trading Field, một nền tảng tương tác trực tuyến dành cho những chuyên gia trong ngành tài chính.
Không lâu nữa thôi, những người tự xưng là cá voi, cá mập trong ngành Bitcoin sẽ bị “nuốt chửng” khi hai sàn CBOE và CME Group tung ra hợp đồng tương lai Bitcoin.
Trong vài ngày tới, tôi sẽ cung cấp thông tin về việc kinh doanh trên thị trường kỳ hạn Bitcoin. Mục tiêu của tôi là làm sáng tỏ những đặc thù của nó và hy vọng có thể giúp mọi người tránh được những rủi ro.
Bạn có thể thấy, thị trường tiền mặt của Bitcoin là nơi những con cá voi tồn tại. Tuy nhiên, chúng thậm chí không hề tấn công hay làm tổn hại lợi ích của các Bitcoiner khác trong hệ sinh thái. Lý do rất đơn giản. Mọi người trong thị trường, về phương diện tài chính, luôn mong muốn giữ giá Bitcoin ở mức cao nhất có thể. Vì thế, họ sẽ không “nuốt chửng” nhau hay có những động thái khiến giá Bitcoin sụt giảm.
Dĩ nhiên, đôi khi thị trường cũng đi xuống. Nguyên nhân là do một số holder Bitcoin bán các đồng coin để lấy lợi nhuận khi giá tăng. Trong thị trường kỳ hạn, có rất nhiều phần thưởng cho các holder kể cả khi thị trường tăng hay giảm giá. Chỉ cần tinh ý, bạn cũng có thể tìm kiếm lợi nhuận kể cả khi thị trường sụp giá.
Về cơ bản, thị trường tiền mặt của Bitcoin giống như một dòng sông. Dòng chảy của nó phụ thuộc vào hằng số và do đó nó thường chảy theo một hướng. Thị trường kỳ hạn Bitcoin, giống như một đại dương xuất hiện hiện tượng di chuyển nhiệt năng (thermohaline circulation): dòng chảy của nó phụ thuộc vào nhiều biến.
( *Thermohaline circulation là thuật ngữ chuyên ngành. Mô tả kết hợp ảnh hưởng của nhiệt (thermo) và độ muối (haline) tạo nên một động lực gây chuyển động dòng nước, gọi là dòng-nhiệt-tỷ-trọng.)
Như vậy, thị trường kỳ hạn Bitcoin khác hoàn toàn so với thị trường tiền mặt. Nó không hề thân thiện vì các cá mập cá voi hoàn toàn có thể “nuốt chửng” những con cá nhỏ khác, mà không sợ ảnh hưởng đến giá. Ở thị trường này, bạn cần phải đủ bản lĩnh “ăn” những con cá khác hoặc chờ tới lượt mình bị “ăn”.
Vừa mới dạo một vài vòng quanh các diễn đàn Bitcoin trên Slack, Reddit và Telegram, tôi nhận thấy cộng đồng dường như đang rất vui và tỏ ra lạc quan về giá trị của Bitcoin với sự xuất hiện của thị trường kỳ hạn.
Có hơi một chút ngạc nhiên và sau đó tôi cảm thấy cũng đúng, họ lạc quan vì hầu như tất cả đều thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của thị trường này.
Đừng bao giờ cho rằng thị trường kỳ hạn hoạt động tương tự như thị trường tiền mặt. Trên thực tế, chúng hoàn toàn trái ngược nhau. Thị trường tiền mặt (ví dụ như thị trường chứng khoán và giao dịch Bitcoin) chủ yếu là nơi hoạt động của những người lạc quan. Mặt khác, thị trường kỳ hạn lại là “hang ổ” của nhóm những người bi quan.
Đó chỉ là so sánh vui của cá nhân tôi thôi. Nói cách khác, thị trường tiền mặt được tạo ra cho các nhà đầu tư, trong khi thị trường kỳ hạn được tạo ra để phòng ngừa rủi ro. Có 03 chủ thể tiêu biểu trên thị trường kì hạn: Hedger, Speculator và Arbitrageur. Hedger (người phòng hộ) là người giao dịch các hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro do biến động giá gây ra bất lợi. Nhóm những người này hoạt động theo nguyên tắc “ăn chắc mặc bền” và hạn chế tối đa tổn thất. Speculator (nhà đầu cơ) là những người chấp nhận rủi ro cao để tìm kiếm lợi nhuận từ biến động giá. Và cuối cùng, Arbitrageur (nhà đầu cơ hưởng chênh lệch), những người này sẽ mua bán hưởng chênh lệch dựa trên chênh lệch giá hoặc lãi suất. Thu về lợi nhuận với rủi ro thấp nhất bằng cách mua rẻ ở một nơi và bán cao ở một nơi khác.
Các nhà đầu tư tiếp cận thị trường tiền mặt vì họ tin rằng giá trị tài sản sẽ tăng lên. Các Hedger lại chọn thị trường kỳ hạn vì họ không muốn giá tài sản tác động tới mình. Bạn không thể “bán” trên thị trường tiền mặt nếu chưa sở hữu tài sản cơ sở. Điều này hoàn toàn không có ngoại lệ. Những short-seller (người kinh doanh nhờ vào giá chứng khoán giảm) chuyên vay mượn những tài sản cơ sở từ chủ sở hữu trước khi bán khống (cách thức mà những nhà đầu tư cố gắng kiếm lời từ việc giảm giá chứng khoán), cũng đều phải thực sự sở hữu chúng.
(*Mỗi công cụ chứng khoán phái sinh đều được phát hành trên cơ sở một loại tài sản tài chính nào đó. Tài sản mà giá của các công cụ chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào được gọi là tài sản cơ sở.)
Ngược lại, thị trường kỳ hạn lại khắc phục hoàn toàn khuyết điểm đó. Bạn có thể bán dù bạn có sở hữu tài sản đó hay không. Một nông dân trồng lúa gạo bán hợp đồng tương lai bởi vì ông sợ giá có thể giảm và muốn đảm bảo giá lúa gạo của mình ổn định khi thu hoạch.
Một nhà sản xuất sử dụng gạo mua một hợp đồng tương lai bởi vì ông ta sợ giá gạo sẽ tăng và muốn mua với một mức giá nới hơn, rẻ hơn. Cả người mua và người bán theo cách hiểu của tôi, đều là những người bi quan, sợ rủi ro.
Trong thị trường gạo kỳ hạn, người nông dân và nhà sản xuất là đại diện cho những Hedger đối nhau của thị trường. Do đó, chúng tạo ra một sự cân bằng.
Tất nhiên, các nhà hoạch định thị trường và nhà đầu cơ được yêu cầu tạo thêm tính thanh khoản. Nhưng phần lớn họ đều dựa vào sự tồn tại của các Hedger.
Trong thị trường kỳ hạn Bitcoin, chỉ có các nhóm cần phải phòng ngừa là miner và chủ sở hữu Bitcoin hiện tại. Lý do các miner bán hợp đồng tương lai là để đảm bảo ít nhất giá của số Bitcoin họ dự định khai thác sẽ được ổn định. Còn chủ sở hữu Bitcoin sẽ bán vì mục đích bảo vệ lợi ích của mình.
Không có các Natural Hedger (tạm dịch: người phòng hộ tự nhiên) ở bên mua. Điều này sẽ vô tình gây ra áp lực cho thị trường.
Nhóm duy nhất còn lại để giữ giá ổn định và thậm chí có thể khiến giá tăng là nhóm các nhà đầu cơ – Speculator. Không giống như miner và chủ sở hữu Bitcoin, các nhà đầu cơ sẽ bao gồm cả Bull và Bear. Phần lớn, chúng ta đã thấy nhóm Bull gây tác động đến thị trường tiền mặt khá nhiều. Nhưng ngay cả khi ra mắt thị trường kỳ hạn, nhóm Bear vẫn không xuất đầu lộ diện.
Liệu nhóm Bear có thể áp đảo lại chúng? Hay ngược lại? Chúng ta vẫn chưa có câu trả lời. Vậy liệu sự ra đời của thị trường kỳ hạn sẽ làm tăng giá Bitcoin? Điều này vẫn là một ẩn số.
Nếu đang là cá voi hay cá mập trong ngành, tốt hơn hết bạn nên làm quen với thị trường kỳ hạn từ bây giờ. Cứ thả mình lênh đênh giữa “đại dương” và mong chờ điều kỳ diệu không phải là một chiến lược đúng đắn.
Vâng, tôi công nhận đó là một chiến lược, nhưng dĩ nhiên không phải là một chiến lược hay ho.
Video đề xuất: CoinVlog 05.12.2017 – Những chú mèo làm nghẽn mạng Ethereum
Xem thêm:
P.Trâm – Theo Coindesk