Những tổ chức đầu tư tham gia vào cryptocurrency
Start-up Circle được chống lưng bởi Goldman Sachs đã gây sóng lớn đầu tuần khi mua lại sàn giao dịch cryptocurrency Poloniex với giá 400 triệu USD. Một vài chuyên gia đã chia sẻ quan điểm lo ngại về hàm ý sâu xa của câu chuyện này.
Nội dung bài viết
Ẩn sâu dưới làn sóng tin tức về vụ mua lại Poloniex của Circle là: các cơ quan luật pháp Mỹ đang theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ quy định KYC/AML (*) của những sàn giao dịch cryptocurrency.
(* KYC (Know Your Customer): Thấu hiểu khách hàng
AML (Anti Money Laundering): Chống rửa tiền
Đây là 2 quy định tiêu chuẩn áp dụng trong ngành tài chính)
Joseph Weinberg, Cố vấn đặc biệt của OECD và Chủ tịch Shyft, giao thức blockchain sẽ tạo ra một nền tảng tiêu chuẩn mới cho những nhiệm vụ KYC/AML – đã chia sẻ rằng:
“Hầu hết các sàn giao dịch có trao đổi giữa tiền pháp định và cryptocurrency đều khá tuân thủ luật, và trong một số trường hợp, còn tuân thủ hơn cả giới ngân hàng. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào khu vực pháp lý và chính sách mà từng quốc gia quy định cho các sàn giao dịch ở nước đó.”
Weinberg tiếp tục:
“Với những sàn giao dịch cryptocurrency, thách thức là phải hiểu rõ những hướng dẫn ít ỏi từ các nhà làm luật. Và kết quả là, hầu hết nền công nghiệp này đã tự tuân thủ khi không có mấy quy định rõ ràng. Để an toàn thì các sàn đều tự điều chỉnh quy định quá mức. Chẳng hạn như, hầu hết các sàn yêu cầu chứng thực passport để xác nhận danh tính người dùng, trong khi bên ngân hàng chỉ cần CMND, hoặc bằng lái xe mà thôi.”
Để tìm hiểu thêm, đọc phần Xác thực danh tính trong bài Làm thế nào để bán Bitcoin?
Điều thú vị là: Circle mua lại sàn giao dịch cryptocurrency chỉ một năm sau khi thông báo đang chuyển sự tập trung từ Bitcoin sang các dịch vụ nền tảng blockchain. Tại thời điểm đó, công ty thông báo với khách hàng Bitcoin của mình rằng họ có thể đổi tiền mặt, hoặc chuyển tài khoản sang sàn Coinbase nếu muốn tiếp tục sử dụng cryptocurrency.
Thế thì tại sao Circle quyết định tham gia lại trò chơi cryptocurrency?
Có vẻ như sàn Poloniex đã gặp khó khăn với làn sóng người dùng mới tăng mạnh vì giá cryptocurrency leo thang với tốc độ tên lửa từ nửa cuối năm 2017. Thêm vào đó, đặt trụ sở ở Mỹ nên Poloniex phải theo kịp với chi phí tăng cao vì tuân thủ luật KYC mới vào cuối năm ngoái.
Weinberg giải thích:
“Trong quá khứ, Poloniex có rất nhiều vấn đề với người dùng mới và xây dựng quy trình KYC mới, chủ yếu là do việc xác minh danh tính người dùng mất rất nhiều thời gian. Xây dựng quy trình KYC chặt chẽ cũng tương đương với việc tạo ra một sản phẩm riêng biệt của sàn vậy. Khó khăn và chi phí rất lớn.”
Đây là lý do tại sao Circle xuất hiện, cùng với sự thành thạo KYC/AML của họ. Nghĩa là:
“Trong quá trình mua lại này, Circle sẽ triển khai nhiều người hơn để xây dựng và tiến hành KYC. Đây là vấn đề tương tự mà các ngân hàng truyền thống đã gặp phải khi ngân hàng cần mở rộng quy mô. Phí hành chính nhân lên gấp mấy lần, và dĩ nhiên, không phải chúng lúc nào cũng hiệu quả.”
Hầu hết công chúng đều tập trung vào con số 400 triệu USD đã trao tay. Đó là một thương vụ kinh doanh tốt cho cả hai bên, có được sự đồng thuận chung, và không phải là chuyện xấu với khách hàng của Poloniex – họ sẽ được nhận một dịch vụ khách hàng đúng nghĩa hơn. Là công ty điều hành nhiều app giao dịch phổ biến, Circle là tất cả mọi thứ mà Poloniex không có: di động, thân thiện với người dùng, và kết nối tốt.
Trong khi đó, Nathaniel Popper, tác giả của cuốn Vàng kỹ thuật số: Bitcoin và câu chuyện về những người thất bại và triệu phú đang cố gắng tái đầu tư tiền – đã đưa ra một lời cảnh báo khác.
Popper tweet rằng SEC không chính thức đã đề nghị “thân tình” với Circle rằng họ sẽ không có hành động cứng rắn nào nếu start-up trụ sở ở Boston này “dọn dẹp Poloniex và biến nó thành sàn giao dịch được kiểm soát.”
Just got this slide from a confidential Circle presentation. It does more to explain Circle’s acquisition of Poloniex than anything I have seen today. pic.twitter.com/gRXxDeXvxl
— Nathaniel Popper (@nathanielpopper) February 26, 2018
Popper chia sẻ thêm:
“Có vẻ như SEC đang cho chúng ta biết rằng: Nếu anh đã vi phạm quy tắc thì cũng được thôi, miễn là anh bị mua lại hợp pháp trước khi chúng tôi có hành động trấn áp.
Còn câu hỏi bây giờ là phải chăng SEC sẽ áp dụng cùng một suy nghĩ đó với các sàn giao dịch cryptocurrency khác nếu những sàn này cũng bị những gã nhà giàu mua lại.”
Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ quy định, Circle cũng thông báo sẽ thêm cầu nối tiền pháp định và mở rộng hoạt động sang những thị truờng khác. Cụ thể là, công ty hứa hẹn khai thác “kết nối USD, EUR và GBP để sử dụng cho những sản phẩm thanh toán, giao dịch và đầu tư.”
Điều này có nghĩa là sàn giao dịch sẽ phải tuân thủ và báo cáo với các nhà làm luật từ khắp nơi trên thế giới, những nước đang đau đầu không biết nên tiếp cận cryptocurrency như thế nào.
Một trong những gã chống lưng cho Circle hoàn toàn công khai chính là Goldman Sachs. Thương vụ Poloniex giúp tổ chức đầu tư ở Wall Street này nắm giữ một phần trong trò chơi cryptocurrency mà tay không dính bẩn lẫn danh tiếng chẳng bị lấm bùn.
Nếu mọi chuyện sau này không suôn sẻ, thì cũng là vấn đề của Circle chứ không phải của Goldman.
Một trong những lý do Bitcoin được xem như là “công nghệ phá hoại” vì nó phân phối lại sự giàu có từ giới 1% siêu giàu cho những tay nghiệp dư, vô chính phủ. (Những người được xếp hạng giàu có trong giới cryptocurrency hiện nay rất ít người trước đây có mặt trong bảng xếp hạng triệu phú, tỷ phú của thế giới).
Nhưng bây giờ thế sự xoay vần, con lắc đã quay theo chiều hướng khác. Giới siêu giàu trước đây bị mất tiền vì cryptocurrency lại đang điều khiển cuộc chơi tiền mã hóa.
Do đó, cơ quan luật pháp ở Mỹ và các nước khác có thể dùng chiến lược cây gậy và củ cà rốt bằng cách khuyến khích các ông lớn mua lại sàn giao dịch cryptocurrency, như Goldman Sachs chẳng hạn, trước khi có biện pháp trừng trị các sàn thẳng tay hơn.
Phải thú thật là, đây là một cách thông minh để tài chính truyền thống không chỉ có thể đổi mới thông qua việc kết hợp với sàn giao dịch cryptocurrency công nghệ hiện đại, mà còn đồng hóa (thậm chí đi đến xóa bỏ) đối thủ tiềm năng trong tương lai của tài chính truyền thống.
Ngày nay, các sàn giao dịch cryptocurrency khác hoàn toàn với những sàn miễn phí và dễ dàng như Mt Gox hay Vircurex những năm về trước. Cả hai sàn này đã bị hack và đi vào quên lãng, cũng như nhiều sàn khác đã không đi được hết con đường. Dễ thở hơn cho những tay chơi chính như Kucoin và Binance – nằm ngoài địa hạt quản lý của giới chức Mỹ, và không cho phép ký quỹ tiền pháp định trong bất cứ trường hợp nào.
Do các sàn tuân thủ quy định chặt chẽ, cùng với sự minh bạch mà blockchain cung cấp, chính phủ bây giờ có hiểu biết sâu hơn về người dùng cryptocurrency – thông tin cá nhân, thông tin giao dịch – nhiều hơn biết được từ bất kỳ thị trường tài chính nào khác. Nhờ quy định gia tăng cùng với sự đầu tư của Goldman Sachs, tương lai của tiền tệ dường như không khác gì quá khứ.
Và cryptocurrency ngày càng tương tự như thị trường tài chính truyền thống – về những đặc điểm mà tiền mã hóa đặt mục tiêu phá vỡ từ thuở ban đầu.
Cũng thảo luận tại Diễn đàn Tiền Điện Tử: [Góc quan điểm] Bitcoin có thể chết bất cứ lúc nào
Săn lùng sản phẩm về cryptocurrency tại đây.
Video đề xuất: CoinDaily 02.3.2018 – “Vỡ bong bóng” cryptocurrency sẽ ảnh hưởng đến 1% GDP toàn cầu
Xem thêm:
L.Giang – Theo Cointelegraph, Bitcoinist & News.bitcoin