11 năm sau ngày bản whitepaper (31/10/2009) được công bố, Bitcoin đã có nhiều cải tiến mới, và góp phần làm thay đổi thế giới. Người ta giàu lên nhờ Bitcoin. Sáng suốt hơn nhờ Bitcoin. Và cũng không ít kẻ nghèo đi cũng vì Bitcoin. Dù tốt, dù xấu. Dù ít, dù nhiều. Dù thấu hiểu hay chẳng nhận ra được. Bitcoin đã “dạy” cho con người nhiều bài học giá trị.
Có những câu hỏi dễ dàng nhận được lời giải đáp. Tuy nhiên, câu hỏi “Bạn đã học được gì từ Bitcoin?” không nằm trong số đó. Sau khi cố gắng trả lời câu hỏi “Bạn đã học được gì từ Bitcoin?” bằng một tweet, tôi đã thất bại. Tôi nhận ra rằng những bài học từ Bitcoin thật sự rất nhiều và không thể diễn đạt được chỉ bằng vài dòng ngắn ngủi.
Tôi cũng nhận thấy cách trả lời đối với mọi người sẽ không giống nhau, bởi hành trình khám phá thế giới crypto của mỗi người chúng ta là khác nhau. Vì thế, trong chuỗi bài “Tôi đã học được gì từ Bitcoin”, tôi sẽ chia sẻ kiến thức, quan điểm, và kinh nghiệm cá nhân để giải đáp câu hỏi đặt ra ở đề bài.
Tôi biết rằng câu trả lời của tôi sẽ không thể nào hoàn chỉnh, và đáp ứng đủ tất cả bạn đọc. Vì thế, tôi hy vọng sẽ nhận được những phản hồi, bình luận về các thiếu sót và được lắng nghe quan điểm của mọi người.
“Nếu anh bạn chọn viên thuốc màu xanh, câu chuyện chấm dứt, anh bạn tỉnh dậy trên giường, tin những gì anh bạn muốn tin.
Nếu chọn viên thuốc màu đỏ, anh bạn đến một xứ sở thần tiên, và tôi sẽ là người cho anh bạn biết cái hang thỏ này sâu đến đâu.” – Morpheus
Không dễ để mô tả ngắn gọn Bitcoin là gì. Bitcoin là một khái niệm, một công nghệ mới mẻ, một thứ khiến các nỗ lực nhằm đơn giản hoá bằng cách so sánh nó với những hình thức đã tồn tại như là vàng số, là Internet tiền tệ…, đều không thể đạt được mục đích. Dù bạn muốn hiểu Bitcoin là gì đi nữa, thì có hai điểm quan trọng bạn không thể không biết được là sự phân quyền và bất biến.
Bạn có thể hiểu nôm na Bitcoin là một hợp đồng xã hội tự động. Phần mềm chỉ là một phần, không phải là tất cả với Bitcoin. Mọi nỗ lực thay đổi phần mềm với hy vọng thay đổi Bitcoin đều trở thành vô nghĩa. Một người có thể điều chỉnh và thuyết phục toàn bộ phần còn lại của network thay đổi theo, thì câu chuyện lúc này thiên về nỗ lực tâm lý hơn là kĩ thuật, phần mềm.
Điều tôi sắp nói dưới đây có vẻ nghe ngớ ngẩn, nhưng tôi tin rằng nó luôn luôn đúng: Bạn không thể thay đổi Bitcoin, chỉ có Bitcoin làm thay đổi bạn.
Tôi mất khá nhiều thời gian để nhận ra điều này. Bởi vì Bitcoin là phần mềm, mã nguồn mở, nên bạn sẽ nghĩ rằng ai cũng có thể thay đổi được nó, phải không nào?
Sai lầm to! Chính cha đẻ của Bitcoin là người hiểu rõ điều này nhất.
“Bản chất của Bitcoin là khi phiên bản 0.1 được phát hành, thiết kế cốt lõi sẽ được giữ và duy trì mãi mãi.” – Satoshi Nakamoto.
Nhiều người đã cố thay đổi bản chất của Bitcoin. Và, tất cả bọn họ đều thất bại. Cho dù có hằng tá cái tên được fork (chia tách) từ Bitcoin, hay hàng vạn altcoin tồn tại, network của Bitcoin vẫn vậy. Nó vẫn giống với lúc node đầu tiên được khởi chạy. Các altcoin sẽ không thể đi đường dài. Các sản phẩm từ fork sẽ chết dần.
Miễn là kiến thức nền tảng của chúng ta về toán học hay vật lý học không thay đổi, thì Bitcoin sẽ chẳng hề hấn gì.
“Bitcoin chính là ví dụ điển hình cho hình thái mới của cuộc sống. Nó sống, và thở trên internet. Nó sống vì nó có thể chi trả cho con người để họ duy trì sự sống cho nó. Nó không thể thay đổi. Nó không thể bị can thiệp. Nó không thể bị huỷ hoại. Nếu chiến tranh hạt nhân phá hoại một nửa sự sống trên hành tinh của chúng ta, Bitcoin vẫn có thể tiếp tục sống.” – Ralph Merkle.
“Nhịp tim của network Bitcoin có thể tồn tại lâu hơn của chúng ta.”
Nhận ra được những điều trên khiến tôi thay đổi nhiều hơn cả số lượng block của Bitcoin. Nó thay đổi nhận thức của tôi về thời gian, về kinh tế, chính trị và nhiều thứ khác…Những điều này nghe có vẻ điên rồ, nhưng nó thực sự đang diễn ra.
Bitcoin dạy tôi rằng nó sẽ không thay đổi.
Nhìn chung, sự tiến bộ của công nghệ giúp cho mọi thứ trở nên phong phú hơn. Càng nhiều người có thể tiếp cận tới những thứ từng là xa xỉ. Như Peter Diamandis từng viết rằng “Công nghệ là một cơ chế giải phóng tài nguyên. Nó giúp các thứ tưởng chừng như khan hiếm trở nên phong phú hơn.”
Bitcoin, một công nghệ tiên tiến, đã phá vỡ xu hướng đó và tạo ra một sự khan hiếm mới. Thậm chí, vài người còn bình luận Bitcoin là một trong những thứ khan hiếm nhất hành tinh. Bitcoin không thể lạm phát, cho dù người ta có nỗ lực để thay đổi nguồn cung đã cố định.
Thật nghịch lý là Bitcoin khan hiếm dựa trên cơ chế… sao chép. Các giao dịch, block được lan truyền, sổ cái được phân phối… Tất cả những từ ngữ “xịn xò” này đều đang mô tả cơ chế sao chép. Bitcoin thậm chí còn sao chép giao thức vào càng nhiều máy tính càng tốt để khuyến khích người ta chạy node và đào các block mới. Tất cả các bản sao này phối hợp với nhau trong nỗ lực tạo ra sự khan hiếm cho Bitcoin.
Trong thời đại phong phú hoá nhờ công nghệ, Bitcoin đã dạy tôi sự khan hiếm thực sự là gì.
Con người thích nghe các câu chuyện về nguồn gốc, cốt lõi. Câu chuyện về Bitcoin là một điều thú vị khó có thể bỏ qua, và chi tiết câu chuyện đó cũng quan trọng không kém. Satoshi Nakamoto là ai? Đó là tên của một cá nhân hay một nhóm người? Đấy là nam hay nữ? Các giả thuyết đã được đưa ra, và nó thực sự quan trọng.
Satoshi lựa chọn ẩn danh. “Ông” đã thả hạt giống Bitcoin xuống. “Ông” dành đủ thời gian để xới đất, tưới nước, bón phân, đủ để đảm bảo network Bitcoin sẽ không “ngủm củ tỏi” ngay mới chớm chồi. Và rồi, ông biến mất.
Lựa chọn ẩn danh này thực sự quan trọng với hệ thống hoàn toàn phi tập trung. Không có kiểm soát trung ương. Không quản lý tập quyền. Không có vai trò của nhà phát minh. Không có kẻ chi phối. Một hệ thống miễn nhiễm.
“Một trong những điều tuyệt vời nhất Satoshi đã làm là biến mất.” – Jimmy Song
Sau Bitcoin, hàng ngàn cryptocurrency khác được tạo ra. Nhưng, không một cái tên nào trong số đó chia sẻ những câu chuyện về nguồn gốc ra đời. Nếu muốn đánh bại Bitcoin, bạn phải vượt qua câu chuyện ra đời bí ẩn của nó. Trong cuộc chiến của những ý tưởng, các câu chuyện sẽ là yếu tố quyết định.
“Vàng đầu tiên được chế tác thành đồ trang sức và được sử dụng để trao đổi vào hơn 7.000 năm trước. Sự lộng lẫy, quyến rũ khiến vàng được thêu dệt thành câu chuyện kể rằng chúng là món quà của các vị thần.” – Gold: The Extraordinary Metal
Giống với vàng ở thời cổ đại, Bitcoin cũng có thể được xem là món quà từ các vị thần. Nhưng hơi khác là huyền thoại của Bitcoin mang đậm tính con người, và chúng ta biết rõ “vị thần” đang xây dựng và duy trì Bitcoin ở đây là những cá thể loài người trên toàn thế giới, dù họ ẩn danh hay không.
Bitcoin cho tôi bài học rằng không được xem nhẹ các câu chuyện.
Ngoài câu hỏi “Bitcoin là gì” thì vẫn còn một câu hỏi hóc búa mang đậm tính triết học khác chưa có lời giải: “Bitcoin nào mới là Bitcoin thực sự?”.
Đây là câu chuyện nghịch lý “con tàu Theseus”, nếu tất cả các phần của một đối tượng được thay thế, nó vẫn là cùng một đối tượng?
“Hãy xem xét có bao nhiêu phần của Bitcoin nguyên bản được giữ lại đến ngày nay. Codebase đã được điều chỉnh, thay thế, và mở rộng, khác với phiên bản gốc. Chỉ có đăng ký sở hữu, sổ cái, là còn nguyên vẹn trên network của Bitcoin.”— Nick Carter
Tiền mã hoá, đặc biệt là từ sau sự kiện hard fork đầu tiên, đã khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn đến câu chuyện bản sắc. Và thế giới crypto đã cùng tồn tại hai kịch bản hoàn toàn trái ngược nhau. Ngày 1.8.2017, Bitcoin chia tách làm hai chain, và thị trường đã chọn chain gốc làm Bitcoin “thật”. Một năm trước đó, vào ngày 25.10.2016, Ethereum cũng tiến hành chia tách chain. Nhưng lúc này, thị trường không chọn chain gốc làm Ethereum “thật”.
Nếu thế giới crypto thực sự phân quyền, thì câu hỏi đặt ra từ nghịch lý con tàu Theseus sẽ vĩnh viễn cần câu trả lời, miễn là các network kia còn giá trị.
Bitcoin dạy cho tôi rằng bản sắc và phân quyền không thể cùng tồn tại.
Trong đời thực, câu hỏi “XXX ở đâu?” không khó trả lời cho dù XXX đó là một người, hay một vật nào đó. Tuy nhiên, trong thế giới kĩ thuật số, câu hỏi này có phần đánh đố, nhưng không hẳn là không thể trả lời được.
Email của bạn nằm ở đâu? Ừ thì trên “đám mây”, lưu trữ trên một máy tính nào đó, hoàn toàn có thể lùng ra được.
Còn, Bitcoin của bạn đang ở đâu? Câu này có vẻ hóc búa hơn.
Có hai vấn đề lớn trong câu hỏi này. Một là, blockchain phân phối các bản sao sổ cái ở mọi nơi. Hai là, không hề có một Bitcoin nào, kể cả hình thái vật lý lẫn kỹ thuật.
Vậy, những tuyên bố kiểu như “tôi có một Bitcoin” có lố bịch khi thực sự chẳng có đồng Bitcoin nào hay không?
Nào, khi gặp tình huống như thế này, bạn hãy nhớ đến những kí tự được gọi là private key. Thứ bạn đang giữ đó, bạn viết ra khi cần đó, chính là Bitcoin của bạn.
Bitcoin đã dạy tôi rằng định vị không phải là việc dễ dàng.
Bitcoin là một ý tưởng. Ở hình thái hiện tại, ý tưởng này hoàn toàn được vận hành bằng “vật liệu” là các kí tự. Phần mềm chạy các node được viết bằng kí tự. Thông tin giao dịch là ký tự. Public hay private key cũng là chuỗi các kí tự. Tất cả các thành phần cấu tạo nên Bitcoin là ký tự, chữ viết, vì thế, chúng dẫn đến một mối tương quan gần gũi với lời nói.
“Không có một điểm nào trong các giao dịch Bitcoin là không liên quan đến ký tự. Tất cả đều là ký tự…”
Bitcoin là kí tự. Bitcoin là lời nói.
Chỉ cần trên trái đất vẫn còn tồn tại cái gọi là tự do ngôn luận, thì không gì có thể ngăn cản được Bitcoin.
Bitcoin đã dạy tôi rằng trong xã hội tự do không gì có thể ngăn cản được tự do ngôn luận, và “tự do công nghệ”.
Bước chân vào hành trình tìm hiểu Bitcoin là một trải nghiệm khiêm tốn. Tôi từng nghĩ rằng mình biết nhiều thứ. Tôi nghĩ rằng mình có kiến thức về khoa học máy tính, về chữ ký số, hash, mã hoá, bảo mật, các network…
Nhưng, tôi đã lầm to.
Hiểu hết cơ chế và sự vận hành của Bitcoin là một việc không đơn giản, thậm chí là bất khả thi.
“Không ai có thể chạm đến đáy của cái hang thỏ mang tên Bitcoin.” – Jameson Lopp
Danh sách những cuốn sách cần đọc ngày một dày thêm. Còn, danh sách các bài báo, bài nghiên cứu thì trở nên vô tận. Khi chúng ta vẫn còn loay hoay tìm hiểu về tầng thứ nhất, thì người ta đã sắp hoàn thành tầng thứ hai, và sẵn sàng chạm đến tầng thứ ba.
Bitcoin cho tôi biết rằng mình còn rất hạn hẹp, và cái hang thỏ này là vô tận.
“Triết học Bitcoin: các bài học và sự hiểu biết hạn hẹp của con người” là bản chuyển ngữ của Tiendientu.org từ chuỗi bài viết “Tôi đã học được gì từ Bitcoin” của một tác giả trên Medium.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và cái nhìn mới về tiền điện tử/ cryptocurrency/ tiền mã hoá, và Bitcoin.
Nội dung: Tris Vuong
Design: Satoshi Nakotomoon