Ethereum (ETH) - Đồng Altcoin hàng đầu
Trong vài ngày qua, đã có đến 3 giao dịch chuyển Ethereum với mức phí giao dịch “khủng”. Hai trong số ba giao dịch này tốn cùng mức phí là 2,6 triệu USD, được gửi đi từ cùng một địa chỉ ví. Còn, giao dịch thứ ba đến từ một địa chỉ khác và có mức phí thấp hơn so với hai giao dịch trước.
Theo Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum, các lệnh chuyển có phí giao dịch hàng triệu đô la kia có thể là nhằm mục đích đe dọa, tống tiền.
Cách đây hai ngày, một địa chỉ không xác định đã thực hiện lệnh chuyển 0,55 ETH với mức phí giao dịch là 10,668 ETH (tương đương 2,6 triệu USD). Nhiều người cho rằng đây có thể là một sai lầm đáng tiếc của người chuyển, song, ngày hôm sau, địa chỉ này tiếp tục thực hiện một lệnh chuyển 350 ETH với mức phí “khủng” tương tự.
Như vậy, tổng cộng địa chỉ này đã trả 5,2 triệu đô la tiền phí cho hai giao dịch có tổng trị giá 350,55 ETH.
Nếu điều này chưa đủ “lạ” và gây tò mò, thì giao dịch thứ ba lại xuất hiện. Giao dịch này đến từ một địa chỉ khác, chuyển đi 3,221 ETH với mức phí giao dịch là 2,310 ETH (tương đương $550,000).
Trước những hiện tượng lạ này, nhà sáng lập Ethereum không thể đứng ngoài cuộc. Trong một tweet mới đây, Vitalik Buterin đã đưa ra suy luận của mình.
So the million-dollar txfees *may* actually be blackmail.
The theory: hackers captured partial access to exchange key; they can't withdraw but can send no-effect txs with any gasprice. So they threaten to "burn" all funds via txfees unless compensated.https://t.co/kEDFGp4gsQ
— vitalik.eth (@VitalikButerin) June 12, 2020
Theo anh, lệnh chuyển với hàng triệu đô tiền phí có thể nhằm mục đích tống tiền. Buterin cho rằng địa chỉ gửi đi thuộc về một sàn giao dịch nhưng nó đã bị các hacker chiếm hữu một phần mã khóa. Vì hacker không có đủ mã khóa, “chúng không thể chuyển toàn bố số tiền đi được mà chỉ có thể thực hiện các lệnh chuyển với bất kỳ mức phí giao dịch nào”.
Khi được hỏi mã khóa từng phần là như thế nào, Buterin cho biết mã khóa có thể được lưu trữ trên máy chủ đám mây có tài khoản non-root – chỉ có khả năng rút tiền đến những địa chỉ cụ thể. Do đó, hacker chỉ có thể chuyển tiền đến các địa chỉ ví đã được lưu vào danh sách sẵn có mà không thể chuyển tiền đến địa chỉ của riêng chúng.
Về bản chất, các hacker sẽ tận dụng khả năng của chúng để gửi các giao dịch với mức phí khủng như thế này để “đốt” tiền của nạn nhân cho đến khi chúng đạt được mục đích.
Buterin cho biết thêm, tình trạng này có thể xảy ra trên mọi blockchain chứ không riêng gì Ethereum.